Kỳ Nhân Nếm Thử Rượu Vang Người Việt
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj9iefV-WNWiXRpJVRlK_gF3Xec5KkUInF1uHacjIbzBJqTE9w-O7KABTcYIlZDTlWqNYFa7Q8HWDwGvwl4Y8Cz16Ko1mapnZZhl-w_KQy3KHF51UiMwMTZkBJDhEEb_1L-jKSHeu_z1SE/s72-c/nemruou.png
Tin Tức
Tô Việt là con trai nhà ngoại giao Tô Tưởng, sinh ra đã có năng khiếu đặc biệt về ngửi và nếm. Nhưng phải đến năm 1984, khi rời Việt Nam tới Pháp theo học Thạc sỹ Luật và công pháp quốc tế tại ĐH Nice, anh mới có cơ hội phát hiện ra khả năng ấy của mình. Đó là khi anh được mời đến lãnh địa nho của một người bạn cùng lớp và thưởng thức thứ nước uống được tạo ra bởi những trái nho căng mọng trong vườn.
Kỳ Nhân Nếm Thử Rượu Vang Người Việt |
Cũng như tất cả mọi người, lần đầu tiên nếm rượu vang Tô Việt chỉ cảm giác chua chua chát chát ở đầu lưỡi. Về sau, càng nhiều lần thử nếm, cộng với hiểu biết thêm về văn hóa rượu nho, anh mới hiểu, vì sao người ta thích thú thức uống này đến vậy. Rượu Vang không chỉ chứa đựng trong nó giá trị dinh dưỡng mà còn giá trị văn hóa, lịch sử, những hành trang xứng đáng để con người phải tìm hiểu, khám phá.Vì thế, anh đăng ký tham dự lớp đào tạo chuyên gia nếm thử rượu vang của trường Du lịch - Khách sạn ở Nice. Tốt nghiệp khóa học, anh chính thức chia tay ngành luật và trở thành một trong những chuyên gia thử nếm rượu vang hàng đầu thế giới.
Hàng năm, Tô Việt cùng nhiều chuyên gia rượu vang trên thế giới được mời đến nhiều quốc gia tham gia các cuộc thi rượu vang quốc tế. Tại những cuộc thi này, mỗi chai vang đều được bọc kín bởi giấy trắng và đánh số thách thức mỗi chuyên gia phải phát huy tối đa khả năng thử, nếm của mình. Mỗi ngày, một chuyên gia thử rượu phải thử nếm 70 - 100 loại vang, một năm thử khoảng vài nghìn loại, trong khi phải giữ đầu óc luôn minh mẫn, tất cả giác quan tỉnh táo, để đưa ra được những thông tin chính xác. Học cách thử, nếm với Tô Việt là quá trình tích lũy hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Bắt đầu từ việc học cách quan sát vang bằng mắt thường, rượu trong hay đục, rực rỡ hay xỉn rồi học cách ngửi bằng mũi. Ngửi cũng không đơn giản, bước đầu chuyên gia phải ngửi rượu bất động trong ly, sau đó lắc cho vang sóng sánh và hít mạnh để cảm nhận. Nếm bằng miệng là giai đoạn cuối xác định chính xác hương vị rượu và sự hài hòa giữa ba yếu tố cấu thành của vang là chua, ngọt và chát.
Thưởng thức vang là nghệ thuật
Tô Việt cho biết, một chuyên gia thử nếm rượu vang trước hết phải là người yêu thích và am hiểu lịch sử của nó. Sống lâu năm ở Pháp, anh may mắn khi được làm học trò của Frank Thomas, chuyên gia rượu giỏi nhất châu âu năm 2000. Anh cũng từng làm việc cho nhiều khách sạn 4 sao ở Pháp, có thời gian làm việc với tập đoàn Khách sạn Hotel du Vin của chuyên gia rượu giỏi nhất châu âu 1996, nhì thế giới 1992và 2004, ông Gerard Basset tại Anh.
Được sống trong xứ sở rượu vang, cùng với nông dân chăm sóc và thu hoạch nho, Tô Việt thuộc lòng những đặc điểm của nho, đất trồng nho, các loại nho trên thế giới, hay các kỹ thuật canh tác và cả những bí quyết để tạo ra những loại vang khác nhau từ những loại nho khác nhau. Không sách vở nào quý giá bằng những bài học thực tế ấy. Đó chính là những bí quyết khiến tài năng của Tô Việt được bồi đắp và thăng hoa.
Kỳ Nhân Nếm Thử Rượu Vang Người Việt |
Tô Việt cho rằng, rượu vang có lịch sử lâu đời giống như bất cứ một nền văn hóa nào. Uống vang là ta đã uống vào một nền văn hóa, lịch sử lâu đời cùng với những truyền thuyết của người Ai Cập, La Mã hay Hy Lạp. Vang cũng là một thực thể sống, được ví von bằng những tính từ, nào là đằm thắm, mềm mại, lả lơi.Vang cũng có những cá tính khác mà phải là người biết thưởng thức mới cảm nhận được. Nho được trồng trên đất pha sét sẽ cho loại vang uống mềm, mượt. Nho trồng trên đất cằn khi uống ban đầu thấy khô, cứng giống như thầy tu khổ hạnh nhưng thấm dần sẽ chạm đến nội tâm đẹp đẽ, sâu kín. Vì vậy, thưởng thức vang là nghệ thuật, là phải lắc để vang tỏa hương, là phải ngắm vang vuốt nhẹ thành ly, là phải nếm từng giọt nhỏ...
Tô Việt giữ lại rất nhiều nút chai. “Đừng coi thường những chiếc nút chai. Nó được cắt, tiện từ vỏ của cây sồi 25 năm tuổi. Cây sồi càng lâu năm, vỏ càng dày, nút chai càng dài thì đẳng cấp của chai vang sở hữu chiếc nút đó càng lớn. Thông thường một chiếc nút đẳng cấp có chiều dài khoảng chừng 5,5cm”.
Thưởng thức vang cũng là cả một nghệ thuật. Tô Việt cho biết: “Vang là thức uống để chia sẻ, với khăn trải bàn trắng và những chiếc ly sạch sẽ. Tôi chưa uống vang một mình bao giờ. Nhưng tôi nghĩ, nếu cần một người bạn để chia sẻ, chúng ta có thể tìm thấy ở vang”.
"4.000 là số chuyên gia thử nếm rượu vang tại Pháp.
8.000 là số chuyên gia tại Nhật.
Còn tại Việt Nam, số người được đào tạo về chuyên ngành rượu vang và sản phẩm lên men ở các nước châu âu (Pháp, Đức) có khoảng 20 người, tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. "
Giá Rượu Vang xin mời xem tại Ruouvang.info
Post a Comment